Thứ bảy, 20 Tháng 4 2024 05:25:28

logo_vidifi

Đánh giá hiệu quả hoạt động tín dụng đầu tư của Nhà nước ở Việt Nam hiện nay PDF. In Email
Ngân Hàng Phát triển Việt Nam
Thứ hai, 15 Tháng 4 2013 10:04

Vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước đã thu hút các nguồn vốn ngân hàng thương mại, vốn tư nhân và các nguồn vốn khác trong xã hội tham gia đầu tư các dự án phát triển.

 

1. Đặt vấn đề:


Quá trình hoạt động của NHPT, kể cả các tổ chức tiền thân đã bước sang thập niên thứ 3. Vai trò, vị trí của NHPT trong điều tiết kinh tế vĩ mô đã khá rõ, tuy nhiên, do là mô hình tổ chức mới triển khai trong điều kiện nền kinh tế chuyển đổi nên còn khá nhiều những vấn đề cả về lý luận và thực tiễn xoay quanh hiệu quả hoạt động của mô hình này.

 

Vấn đề thứ nhất, Mô hình ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn Quỹ HTPT? Khi chuyển sang mô hình hoạt động của một ngân hàng, có lẽ ít ai có thể nghĩ rằng còn khá nhiều những ý kiến cho rằng NHPT vẫn nên là Quỹ của Chính phủ, thay vì hoạt động như một ngân hàng chuyên nghiệp của Chính phủ. Chúng ta còn nhớ, giai đoạn những năm 90 của thế kỷ 20, khi Việt Nam bắt đầu bước vào công cuộc đổi mới, cùng với việc tổ chức lại hệ thống ngân hàng, Chính phủ đã có định hướng xóa bỏ dần bao cấp thông qua việc cấp phát từ NSNN. Việt Nam thực hiện chuyển đổi từ mô hình quản lý kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp sang hoạt động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Năm 1990, Chính phủ đã chính thức cấp 300 tỷ đồng từ NSNN làm nguồn vốn cho vay tín dụng theo kế hoạch Nhà nước (có nhiều cách gọi tín dụng ưu đãi, tín dụng nhà nước, tín dụng đầu tư của Nhà nước, tín dụng với lãi suất ưu đãi…), chính thức bắt đầu kỷ nguyên của sự giảm bao cấp trực tiếp từ NSNN và đích tới sẽ là xóa bỏ hoàn toàn việc bao cấp trực tiếp từ NSNN theo đúng thông lệ và cam kết của Việt Nam khi tham gia tổ chức thương mại quốc tế (WTO) vào năm 2006.

 

Tín dụng đầu tư theo kế hoạch Nhà nước ban đầu được giao cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam thực hiện. Tuy nhiên, cùng với sự ra đời của Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (1994), cùng với chủ trương tách tín dụng thương mại ra khỏi tín dụng Nhà nước, năm 1995 Tổng cục đầu tư phát triển (Bộ Tài chính) đã chính thức được giao đảm nhận nhiệm vụ tín dụng đầu tư của nhà nước và năm 1996 Tổng cục Đầu tư phát triển còn được giao thêm nhiệm vụ quản lý Quỹ Hỗ trợ đầu tư quốc gia. Đây thực chất là Quỹ hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, một tổ chức riêng biệt quản lý nguồn vốn tín dụng Nhà nước. Đầu năm 2000, cùng với việc tổ chức lại Tổng cục Đầu tư phát triển, Quỹ Hỗ trợ phát triển chính thức ra đời, đánh dấu bước ngặt quan trọng trong việc hợp nhất tín dụng đầu tư của Nhà nước. Về nguyên tắc, Quỹ HTPT là tổ chức tài chính Nhà nước duy nhất thực hiện việc quản lý nguồn vốn tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, ngoại trừ những dự án đầu tư trước đây sử dụng nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước do một số ngân hàng thương mại nhà nước thực hiện thì nay sẽ không mở rộng thêm các dự án mới mà chỉ tiếp tục quản lý và thu hồi nợ vay. Đến năm 2006, Quỹ HTPT lại một lẫn nữa được tổ chức lại thành Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho phù hợp với thông lệ quốc tế, trước khi Việt Nam chính thức gia nhập và thực hiện các cam kết của tổ chức thương mại quốc tế WTO vào đầu năm 2007.

 

Vấn đề thứ hai, Công cụ tài chính của Chính phủ hay Ngân hàng? Nhiều chuyên gia kinh tế và các nhà quản lý cho rằng NHPT là một công cụ tài chính của Chính phủ. Một số khác lại cho rằng NHPT không phải là “công cụ tài chính” của Chính phủ mà phải là một “ngân hàng” của Chính phủ.

 

Khi nhận thức NHPT là “công cụ tài chính”, các chuyên gia kinh tế cho rằng mục tiêu hoạt động của NHPT không giống như một tổ chức tín dụng (ngân hàng), mà  “định chế tài chính” này cần hoạt động theo mục tiêu của Chính phủ. Có nghĩa là, hoạt động của NHPT chủ yếu thực hiện việc quản lý của Nhà nước đối với các khoản tín dụng chỉ định; cấp tín dụng cho các đối tượng là các chương trình kinh tế, dự án trọng điểm, các dự án thuộc các vùng miền cần khuyến khích đầu tư với những cơ chế ưu đãi đặc thù, cả những dự án không cần thẩm định (vinasat), cả những dự án mà không thể có nguồn trả nợ được (cho vay tiền chuộc cho cướp biển)…

 

Ở đây, các chuyên gia kinh tế đã có sự nhầm lẫn giữa “hình thức tổ chức, quản trị” và “mục tiêu hoạt động” của định chế tài chính (NHPT). Khi nói đến việc NHPT là “công cụ tài chính” thì các chuyên gia đang nhấn mạnh đến “mục tiêu hoạt động” của định chế tài chính này, còn khi nói đến  việc NHPT là “ngân hàng” thì các chuyên gia lại đề cập đến “hình thức tổ chức, quản trị” của NHPT. Hơn nữa, khái niệm “công cụ tài chính” được hiểu rộng hơn và nó được thể hiện dưới các hình thức tổ chức, quản trị khác nhau như: “công ty tài chính”, “Quỹ tài chính”, “ngân hàng chính sách”...

 

Như vậy, NHPT phải được hiểu là một “Ngân hàng” của Chính phủ (hiểu theo nghĩa hình thức tổ chức, quản trị của NHPT) và “ngân hàng” này thực hiện nhiệm vụ quản lý vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước nên nó đồng thời là “công cụ tài chính” của Nhà nước (hiểu theo mục tiêu hoạt động).

 

Vấn đề thứ ba, hoạt động của NHPT có hiệu quả hay không, nếu cấp bù từ NSNN vẫn có xu hướng tăng lên? NHPT hoạt động theo nguyên tắc cấp tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước với lãi suất ưu đãi, tức là lãi suất thường thấp hơn lãi suất cho vay trên thị trường tiền tệ cùng thời điểm, thông thường chỉ vào khoảng 70% lãi suất thị trường, thậm chí có những khoản vay những dự án, chương trình đầu tư trọng điểm của Chính phủ có lãi suất cho vay rất thấp, được giữ ổn định trong suốt đời dự án 6,9%; 5,4%; 3%; và thậm chí 0%/năm. Với lãi suất đầu ra thấp như vậy thì việc phải huy động vốn trên thị trường rõ ràng sẽ tạo ra chênh lệch “âm” giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động (mặc dù NHPT luôn huy động được nguồn vốn rẻ nhất trên thị trường do được Chính phủ bảo lãnh), chưa kể phí quản lý của tổ chức cho vay. Đương nhiên, phần chênh lệch này phải được NSNN cấp bù, tức là việc NSNN phải cấp một lượng vốn để thực hiện chính sách tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của nhà nước đương nhiên như việc được đi xe ô tô mà chúng ta chỉ phải trả mỗi tiền chi phí mua xăng thay vì phải trả cả tiền mua xe lẫn mua xăng.  Đối với NHPT thì phí quản lý hàng năm chỉ trung bình vào khoảng 0,9% trên số dư nợ (khá thấp so với Quỹ HTPT trước đây là 2,4%) còn lại là chênh lệch lãi suất. Lượng cấp bù chênh lệch lãi suất càng lớn (có thể cảm tưởng đối với NSNN sẽ khó khăn) thì càng thể hiện lượng dư nợ lớn hơn, số dự án được Chính phủ hỗ trợ nhiều hơn. Điều này có thể là rất tốt nếu các dự án được hỗ trợ phát huy hiệu quả, mang lại thu NSNN nhiều hơn trong tương lai, đủ sức, thậm chí thừa bù đắp những khoản NSNN đã chi trực tiếp, đấy là chưa kể các khoản thu gián tiếp khi các nguồn thu NSNN được mở rộng và phát triển. Nếu chỉ nhìn vào số cấp bù từ NSNN mà đánh giá hiệu quả của chính sách tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước thì cũng như người ta mới chỉ nhìn thấy “từng cây” mà chưa nhìn thấy “rừng” vậy...

(Mời xem toàn văn bài viết tại đây)

TS. Phạm Văn Bốn - Giám đốc Trung tâm Đào tạo & Nghiên cứu khoa học NHPT


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
vdb_logo logo_vietcombank
logo_vinaconex

tuyendung

DOWNLOAD-VĂN BẢN

DOWNLOAD

EMAIL-VIDIFI.,JSC

EMAIL

FORUM-VIDIFI.,JSC

Forum

LIÊN HỆ

contact