Thứ sáu, 22 Tháng 11 2024 05:11:53

logo_vidifi

Đầu tư chế biến sâu khoáng sản đồng tại Lào Cai: Cần cân đối với nguồn nguyên liệu
Tin Vidifi
Thứ hai, 24 Tháng 8 2009 08:30

 

 Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết những kiến nghị của UBND tỉnh Lào Cai trong việc đầu tư nhà máy luyện đồng kim loại 10.000 tấn/năm của Vidifi, chiều 17/8/2009, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến từ các bộ, ngành liên quan về chủ trương đầu tư nhà máy luyện kim loại mầu Lào Cai.

Nâng công suất lên 10.000 tấn/năm, vì sao?


Sau khi nghiên cứu về tiềm năng tài nguyên khoáng sản tại các tỉnh phía Tây Bắc (Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu…) Vidifi đã được tỉnh Lào Cai cho phép đầu tư xây dựng dự án Dự án Nhà máy luyện kim mầu Lào Cai trên diện tích 21ha thuộc huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai với công suất thiết kế 5.000 tấn đồng kim loại/năm; chì thỏi: 5.000 tấn/năm; Axit sulfuric 45.000 tấn/năm… Trong quá trình nghiên cứu lập dự án và mô hình đầu tư của Nhà máy luyện đồng Tằng Loỏng và một số nhà máy luyện đồng khác của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) cũng như một số nước phát triển trên thế giới, Vidifi quyết định chọn công nghệ luyện đồng ISA tiên tiến nhất của thế giới hiện nay. Tuy nhiên, theo ông Đào Văn Chiến – Tổng giám đốc Vidifi, để áp dụng công nghệ này có hiệu quả thì công suất tối thiểu của nhà máy luyện kim mầu phải đạt 10.000 tấn đồng tinh/năm (Đồng: 99,99%) thay vì công suất theo dự án ban đầu là 5.000 tấn/năm, nhưng giá trị đầu tư chỉ tăng khoảng 20% so với đầu tư quy mô đầu tiên.

Vì những lẽ trên, Vidifi đề nghị Bộ Công Thương và UBND tỉnh Lào Cai cho phép nâng công suất dự án nhà máy chế biến đồng tinh luyện lên 10.000 tấn/ năm cho phù hợp với công nghệ, đồng thời đưa dự án vào quy hoạch chế biến sâu của cả nước và quy hoạch nguồn nguyên liệu cho nhà máy. Để có nguồn nguyên liệu ổn định, Vidifi cho rằng, cần được sự hợp tác của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) trong việc cung cấp nguyên liệu tinh quặng đồng từ mỏ Tả Phời do TKV thăm dò và khai thác.


khai thac quang tai mo dong Sinh Quyen

Khai thác quặng tại mỏ đồng Sin Quyền. (ảnh: Quang Trung)

Theo quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng vàng, đồng, nikel, molipđen giai đoạn 2007-2015… của tỉnh Lào Cai đã được Bộ Công Thương phê duyệt trên địa bàn tỉnh, theo đó tỉnh được đầu tư chế biến công suất quặng đồng công suất là 20.000 tấn/ năm. Hiện nay, đã có Nhà máy luyện đồng Tằng Loỏng với công suất 10.000 tấn/ năm do TKV đầu tư và dự kiến nâng công suất lên 20.000 tấn/năm. Việc đồng ý cấp phép cho Vidifi nâng công suất không có nghĩa là hạn chế việc phát triển nhà máy của TKV. Lý giải việc này, Phó giám đốc Sở Công Thương Lào Cai- Bùi Khắc Hiền, cho rằng, hiện nay thị trường kim loại đồng chưa đáp ứng được nhu cầu, vẫn phải nhập khẩu, trong khi đó tổng trữ lượng đồng kim loại dự báo khoảng 1,15 triệu tấn. Vì vậy, việc xây dựng các cơ sở chế biến với tổng công suất 30.000 tấn/năm là phù hợp, đảm bảo hoạt động ổn định trên 30 năm và việc nâng công suất nhà máy kim loại mầu từ 5.000 lên 10.000 tấn/năm là hoàn toàn phù hợp góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, tham gia vào việc thực hiện chế biến sâu khoáng sản trong nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

 

Tuy nhiên, đây là dự án nằm ngoài khu công nghiệp nên không có hệ thống xử lý môi trường chung, do đó nếu dự án này được thực hiện thì Vidifi phải tập trung xử lý tốt môi trường và phải sử dụng công nghệ hiện đại để sản xuất đồng tinh luyện 99,99%.


Phát triển dự án phải trên cơ sở chắc chắn nguồn nguyên liệu

Hầu hết các bộ, ngành liên quan đều ủng hộ chủ trương nâng công suất dự án lên 10.000 tấn/năm của Vidifi cho phù hợp với công nghệ và khai thác có hiệu quả nguồn khoáng sản. Song, nhiều vấn đề đặt ra đối với dự án. TKV cho rằng, việc nâng công suất là hoàn toàn hợp lý, bởi nhà máy nhỏ sẽ không thể giải quyết được vấn đề xử lý môi trường với chi phí lớn. Tuy nhiên, TKV cũng không khẳng định sẽ cung cấp nguyên liệu cho dự án này từ mỏ Tả Phời. Bởi, chính TKV cũng chưa chắc đủ nguyên liệu cho nhà máy đồng Sinh Quyền. Theo ông Đào Quốc Quang – Phó tổng giám đốc TKV, thực tế nhiều mỏ khi khảo sát bề mặt có trữ lượng lớn, nhưng khi khai thác thì không có. Vì vậy, phải có kết quả khảo sát mới quyết định được việc có cung cấp nguyên liệu cho dự án của Vidifi hay không?!

 

Đại diện Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng ủng hộ việc đầu tư chế biến sâu khoáng sản của dự án, tuy nhiên lưu ý phải phát triển dự án trên cơ sở cân đối lại nguồn tài nguyên, đáp ứng những điều kiện cụ thể mà quan trọng nhất là việc cân đối lại các vùng nguyên liệu của tỉnh, nơi có trữ lượng đồng lớn nhất nước. Tỉnh Lào Cai có 2 mỏ lớn là Sin Quyền và Tả Phời, mỏ đồng Sin Quyền được đánh giá có trữ lượng lớn và hiện nay TKV đang khai thác cho nhà máy đồng Sin Quyền. Còn mỏ Tả Phời mới chỉ đánh giá đây là mỏ có trữ lượng lớn qua số liệu khảo sát, điều tra, chưa có cơ sở để khẳng định chắc chắn nguồn nguyên liệu có thể đáp ứng chế biến sâu quặng đồng trên địa bàn tỉnh. Để quyết định việc nâng công suất dự án, cần đẩy nhanh tiến độ thăm dò, rà soát quy hoạch, cân đối nguồn nguyên liệu theo nguyên tắc ưu tiên cung cấp quặng cho các dự án chế biến sâu trong nước…

 

Việc quyết định nguồn nguyên liệu quặng tin cậy và ổn định cho dự án có vai trò quyết định trong việc đảm bảo hiệu quả kinh tế và giảm thiểu rủi ro cho việc phát triển dự án. Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị Vidifi lập dự án trên cơ sở phải xác định và đảm bảo chắc chắn nguồn nguyên liệu quặng tại Lào Cai và các địa phương lân cận như Lai Châu, Yên Bái, Sơn La…cho dự án. Sau khi có kết quả thăm dò, mới triển khai kế hoạch dự án. Trên cơ sở nguồn nguyên liệu, Bộ Công Thương sẽ xem xét để xác định công suất hợp lý. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề nghị Vidifi cần quan tâm bàn bạc với Công ty cổ phần đồng Tả Phời để phân chia và sử dụng tài nguyên, đảm bảo cho cả hai dự án tinh luyện đồng hoạt động hiệu quả lâu dài.

 
Tap chi HTPT (tổng hợp)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
vdb_logo logo_vietcombank
logo_vinaconex

tuyendung

DOWNLOAD-VĂN BẢN

DOWNLOAD

EMAIL-VIDIFI.,JSC

EMAIL

GROUP-VIDIFI.,JSC

Forum

LIÊN HỆ

contact