Thứ hai, 23 Tháng 12 2024 04:20:29

logo_vidifi

Cân phương án tài chính dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Cao tốc Hà nội-Hải Phòng
Thứ tư, 29 Tháng 4 2015 08:04

Phương án tài chính tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài 106 km, quy mô 6 làn xe được các bộ, ngành đánh giá là đủ điều kiện để được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 

 

Đây cũng chính là điểm nhấn quan trọng nhất của Báo cáo Kết quả thẩm định phương án tài chính điều chỉnh Dự án Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng do Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) vừa được Bộ Giao thông - Vận tải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

 

Tại thời điểm Báo cáo thẩm định gồm 19 trang A4 được gửi lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải cho biết đã nhận được đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến của đơn vị thẩm tra là Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng).

 

Cần phải nói thêm rằng, để có thể đảm bảo tính khả thi tài chính cho dự án hạ tầng có quy mô lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Hồng với tổng mức đầu tư được phê duyệt sau khi đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận là 45.487 tỷ đồng, Vidifi đề nghị một gói cơ chế, chính sách hỗ trợ, bao gồm 9 điều kiện được đánh giá là cần và đủ.

 


Dự án Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ được thông xe toàn tuyến vào cuối năm nay

 

Theo đánh giá của các bộ, ngành, về cơ bản, các đề xuất này không nằm ngoài cơ chế tài chính, hỗ trợ đã được Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chấp thuận tại Thông báo 197/TB - VPCP ngày 12/5/2014 cũng như Hợp đồng BOT được ký kết năm 2008.

 

Trong số này, nổi bật nhất là Vidifi đề nghị Chính phủ cho phép tái cơ cấu hai khoản vay trị giá khoảng 300 triệu USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc và 100 triệu USD từ Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW) sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp vào Dự án.

 

Đây cũng chính là cơ chế hỗ trợ đã có tiền lệ khi được áp dụng trong quá trình tái cơ cấu 5 dự án đường cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư và được Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho phép Vidifi áp dụng (Thông báo 197).

 

Bên cạnh đó, theo đánh giá của cơ quan thẩm định, Dự án Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng tương tự các dự án hạ tầng giao thông khác, là công trình, dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế - xã hội, nhưng để đảm bảo tính khả thi về tài chính, các dự án cần sự hỗ trợ một phần từ Nhà nước.

 

Do nguồn vốn hỗ trợ thực hiện không tính vào tổng vốn đầu tư, nên cơ quan thẩm định chuẩn xác lại tổng vốn đầu tư là 34.899 tỷ đồng để làm cơ sở tính toán phương án tài chính Dự án.

 

“Đối với một số nội dung kiến nghị của Vidifi ngoài Thông báo 197 và Hợp đồng như cho phép Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) - cổ đông chính tại Vidifi vay cân đối trong thời gian 5 năm đầu vận hành Dự án, trượt tỷ giá, lãi suất vay tiền USD là có cơ sở và cần thiết”, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Hồng Trường khẳng định.

 

Thay mặt cơ quan thẩm định, Thứ trưởng Trường cho rằng, việc Vidifi đề xuất điều chỉnh, cập nhật phương án tài chính nếu tỷ giá bình quân mỗi 5 năm biến động quá 6%/năm hoặc nhỏ hơn 2%/năm là hợp lý, bởi nhà đầu tư không thể kiểm soát được rủi ro về tỷ giá đối với các khoản vay ngoại tệ.

 

Liên quan đến mức phí - nguồn thu chính của Dự án mà Vidifi đề xuất là 2.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn, thời gian thu phí bắt đầu tính từ năm 2016, cơ quan thẩm định khẳng định chủ đầu tư được quyền quyết định mức thu từng thời kỳ, để đảm bảo hoàn vốn. Tuy nhiên, 2 bộ Giao thông - Vận tải và Kế hoạch và Đầu tư khuyến cáo Vidifi xây dựng lộ trình thu phí hợp lý để thu hút được các phương tiện vào đường cao tốc.

 

Được biết, với các yếu tố đầu vào mới được cập nhật, bao gồm cả việc giả định các cơ chế, chính sách hỗ trợ được Thủ tướng Chính phủ có quyết định chính thức chấp thuận, trong thời gian thu phí 30 năm, tỷ suất nội hoàn tài chính Dự án dao động từ 9,41% đến 9,78%; hiện giá trị thuần từ 5.356 tỷ đồng đến 6.945 tỷ đồng tùy theo việc có xét đến trượt giá đồng nội tệ so với ngoại tệ 4% trong thời gian khai thác hay không.

 

“Các chỉ số này cho thấy, công trình cân đối được dòng tiền, trả nợ được vốn vay và đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư trong trường hợp Vidifi tính đến phương án nhượng quyền khai thác công trình”, ông Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội Khoa học - Kỹ thuật cầu đường Việt Nam đánh giá.

 

Trước đó, theo Quyết định 1621/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách thí điểm đầu tư Dự án Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Vidifi - công ty cổ phần do VDB giữ vai trò chi phối làm chủ đầu tư dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT này.

 

Bên cạnh nguồn vốn tự có khoảng 5.000 tỷ đồng, Vidifi được Thủ tướng cho phép vay vốn nước ngoài và vốn tín dụng trong nước để đầu tư. Để hoàn vốn, nhà đầu tư này được cấp một số quỹ đất để phát triển các khu công nghiệp, các khu đô thị và thu phí Quốc lộ 5 và chính tuyến cao tốc.

 

Tuyến đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là tuyến huyết mạch vùng đồng bằng Bắc Bộ, có lưu lượng xe qua lại rất lớn. Vì vậy, Dự án đang được các nhà đầu tư trong, ngoài nước quan tâm và chủ đầu tư đang trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ công trình.

 

Theo Anh Minh
Baodautu.vn


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
vdb_logo logo_vietcombank
logo_vinaconex

tuyendung

DOWNLOAD-VĂN BẢN

DOWNLOAD

EMAIL-VIDIFI.,JSC

EMAIL

GROUP-VIDIFI.,JSC

Forum

LIÊN HỆ

contact