Thứ sáu, 22 Tháng 11 2024 23:29:30
|
Cao tốc Hà Nội-Hải Phòng: Không đánh đổi chất lượng lấy tiến độ |
Cao tốc Hà nội-Hải Phòng | |
Thứ hai, 17 Tháng 2 2014 13:21 | |
Ngay sau đợt nghỉ Tết, Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) đã tập trung nguồn lực, ra quân tiếp tục triển khai Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng (HN-HP), nhằm bắt kịp mùa thi công cao điểm, đưa công trình về đích đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Tầm nhìn chiến lược Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là công trình giao thông trọng điểm quốc gia, có tổng mức đầu tư tạm phê duyệt là 24.566 tỷ đồng, chủ đầu tư là VIDIFI. Đây là con đường cao tốc hiện đại nhất ở nước ta, có 6 làn xe lưu thông và 2 làn dừng xe khẩn cấp, vận tốc thiết kế đạt 120km/h, cũng là con đường cao tốc đầu tiên được triển khai dưới hình thức BOT. Việc thực hiện thí điểm đầu tư xây dựng cao tốc, không sử dụng vốn ngân sách mà huy động từ các nguồn lực xã hội, đã thể thiện tầm nhìn chiến lược và tư duy đúng đắn của Chính Phủ. Đây cũng là bước đột phá, tạo tiền đề tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng giao thông khác trên khắp cả nước.
Theo quy hoạch, phải đến tận năm 2020 mới có tuyến đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với quy mô bốn làn xe. Nhưng nhận thấy yêu cầu bức thiết phải có một tuyến đường cao tốc mới, giảm tải cho QL5 đang trong tình trạng quá tải trầm trọng, đồng thời tạo ra tuyến huyết mạch, góp phần thực hiện chiến lược phát triển KTXH vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Chính phủ đã giao Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) tổ chức thực hiện dự án, góp 51% vốn điều lệ thành lập VIDIFI đầu tư tuyến đường. Giờ đây, sau hơn 6 năm triển khai, dự án đã bắt đầu bước vào giai đoạn thi công chính. Dự án hoàn thành sẽ góp thêm động lực vào sự phát triển KTXH vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Công trình khổng lồ Chúng tôi thực hiện chuyến khảo sát dọc tuyến vào những ngày đầu xuân, trong cái lạnh căm của gió mùa Đông Bắc. Điều ấn tượng đầu tiên là con đường cao tốc sừng sững, như con đê lớn trải dài qua những miền quê, những cánh đồng xanh phớt màu lúa non. Trả lời thắc mắc của chúng tôi, Quyền Giám đốc BQL dự án Phạm Viết Sơn tâm sự: Con đường đã liên kết, kéo gần các vùng của Tổ Quốc lại với nhau, nhưng đồng thời cũng chia cắt nhiều miền quê trong suốt chiều dài của nó. Để xóa nhòa sự chia cắt ấy, cũng là tạo thuận tiện cho việc đi lại của nhân dân, 124 cống dân sinh đã được xây dựng dọc tuyến. Cộng thêm số lượng hơn 30 cây cầu lớn, và việc bảo đảm độ dốc của con đường không quá 2% theo chuẩn an toàn, nên đường mới đắp cao như vậy. Đây thực sự là một công trình khổng lồ, với hơn 40 triệu m3 đất đá được sử dụng, bởi mục đích duy nhất là bảo đảm chất lượng của dự án cũng như giao thông thuận tiện của người dân.
Quy mô vĩnh cửu Tổng giám đốc Tổng Công ty VIDIFI Nguyễn Văn Tỉnh cho biết: Trong tương lai, khi tính toán lưu lượng xe cho năm 2025, yêu cầu cường độ kết cấu áo đường cao, các lớp bê-tông nhựa mặt đường phải đạt chiều dày khoảng 45 cm. Do quy mô vĩnh cửu, con đường hầu hết nằm trên nền địa chất yếu (95%), nên nhiều vị trí phải khoan sâu tới 40 m làm cọc cát, gia tải chờ lún. Mặc dù rất sốt ruột tiến độ, nhưng chủ đầu tư vẫn phải chờ tắt lún mới cho phép nhà thầu thi công. Tuy luôn cố gắng đẩy nhanh tiến độ công trình, nhưng vấn đề chất lượng phải được ưu tiên hàng đầu. “Không thể đánh đổi chất lượng lấy tiến độ”, ông Tỉnh quả quyết. Tại công trường cầu Thanh An thuộc gói thầu EX-7 do Tập đoàn Kỹ thuật và Xây dựng GS Hàn Quốc phụ trách, dễ nhận thấy là hình ảnh những người công nhân xây dựng tất tả ngược xuôi, trong tiếng bàn bạc, thảo luận sôi nổi của những kỹ sư Việt Nam và Hàn Quốc. Phó giám đốc (PGĐ) gói thầu EX-7 Kim Chuang Hwan, kỹ sư người Hàn Quốc cho biết: Gói EX-7 dài tổng cộng 9,3 km, có hai cầu lớn vượt sông là Ba La dài 376m, và Thanh An dài 963m (áp dụng công nghệ dầm Super-T). Để bảo đảm tiến độ và chất lượng của công trình, nhà thầu đã tổ chức huy động tất cả anh em công nhân ra quân từ mùng 6 Tết, triển khai thi công trên mọi mũi, nhằm đạt đúng tốc độ thi công đã đề ra. Công việc hiện nay là hoàn thành nốt cột trụ T10, đến khoảng tháng sáu tới sẽ cho hợp long cầu, và dự kiến đến cuối năm nay sẽ thông xe tuyến chính. PGĐ gói thầu EX-9 Lưu Quảng Xuân, kỹ sư Tập đoàn cầu đường tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc cho biết: Hiện nay toàn bộ nền đường của gói thầu EX-8 đã xong việc chất tải chống lún,... Hiện gói EX-8 đã hoàn thành được 66% tiến độ, nhà thầu sẽ tiếp phát động triển khai thi công toàn diện, tập trung máy móc và công nhân, bảo đảm hoàn thành gói thầu vào cuối năm nay. Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thực hiện thi công, PGĐ gói thầu EX-8 Đỗ Hải Luân nói: Khó khăn lớn nhất là khi thi công cầu B08 qua sông Đa Độ, do đất yếu nên phải cho khoan sâu xuống nên đá cứng hơn 40m, đòi hỏi kỹ thuật cao và mất nhiều công sức. Còn về các hạng mục khác, do áp dụng nhiều máy móc hiện đại đã giúp tăng nhanh tốc độ và hiệu quả thi công cũng như nâng cao chất lượng của công trình. Được biết, nguyên nhân lớn nhất làm chậm tiến độ của dự án là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), sau khi có chỉ đạo sát xao của Chính phủ, cũng như sự vào cuộc quyết tâm của UBND các tỉnh, thành phố nơi tuyến đi qua, hiện nay về cơ bản được giải quyết triệt để, đã bàn giao gần 1400 ha “đất sạch” cho chủ đầu tư triển khai thi công. Còn một số vướng mắc liên quan đến năng lực nhà thầu, dự án còn tồn tại tình trạng các nhà thầu không đảm bảo đủ thiết bị và nhân sự để thi công gói thầu mà thuê lại các đơn vị thầu phụ, thiết bị, nhân sự tại Việt Nam với giá thấp… đã được chủ đầu tư cơ bản khắc phục, bảo đảm thi công toàn tuyến đạt tiến độ, chất lượng.
Động lực mới thúc đẩy KTXH phát triển Dự án hoàn thành sẽ tạo nên con đường huyết mạch nối liền các tỉnh thành phố mà tuyến đi qua, giảm tải cho đường 5 cũ nay đang trong tình trạng quá tải trầm trọng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng. Đồng thời, rút ngắn thời gian đi lại giữa khu kinh tế Hà Nội, các tỉnh miền núi Tây Bắc với thành phố cảng Hải Phòng, tạo điều kiện khai thác tiềm năng kinh tế, phát triển dân sinh, thúc đẩy KTXH phát triển. Đồng thời tuyến đường sau khi hoàn thành sẽ kết hợp với các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ khác tạo thành một mạng lưới giao thông đường bộ thông suốt, tạo động lực phát triển về mọi mặt của khu tam giác kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, kết nối với các đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-Lạng Sơn xây dựng tuyến lưu thông hàng hóa từ cảng Hải Phòng sang các tỉnh miền Tây Trung Quốc. Nói về con đường này, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Phát triển Việt Nam Nguyễn Quang Dũng chia sẻ: Việc triển khai dự án sớm trước kế hoạch dự kiến (2020) không những góp phần tạo ra lợi ích KTXH to lớn, mà còn khẳng định tầm nhìn chiến lược, tính đúng đắn trong quyết tâm của Chính phủ vượt lên tình hình khó khăn chung của kinh tế trong nước và thế giới, sử dụng có hiệu quả nguồn lực huy động từ xã hội và vốn vay trực tiếp của nước ngoài để đầu tư phát triển hạ tầng ở Việt Nam.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|