Thứ tư, 22 Tháng 1 2025 18:04:28

logo_vidifi

Vốn phải được huy động từ nhiều kênh
Cao tốc Hà nội-Hải Phòng
Thứ ba, 01 Tháng 8 2017 10:47

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng do Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) làm chủ đầu tư theo hình thức BOT. Công trình đưa vào khai thác từ tháng 12/2015, có chiều dài 105km với tổng mức đầu tư gần 45.000 tỷ đồng, phần lớn là vốn vay với lãi suất thương mại dao động khoảng gần 11% trong thời gian 30 năm.

 

 

Để thu hút và phát huy hiệu quả các nguồn vốn xã hội đầu tư vào hạ tầng giao thông, với kinh nghiệm huy động vốn, quản lý đầu tư, vận hành khai thác thì theo lãnh đạo VIDIFI cần giải quyết tốt 5 vấn đề sau:

 


Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Ảnh: Đoàn Việt Hà)

 

Phải có mặt bằng sạch: Chính phủ cần giao cho địa phương giải phóng mặt bằng đứt điểm, nếu để doanh nghiệp vừa làm vừa giải phóng mặt bằng như vừa qua sẽ dẫn đến nguyên nhân làm đội giá, vỡ tiến độ, khiếu kiện… Ở đây, địa phương giải phóng xong thì mới thi công, chứ nếu cứ “xôi đỗ” còn lại 01 - 02% là chết doanh nghiệp, chết nhà thầu vì không có mặt bằng dẫn đến thi công chậm tiến độ…, dẫn đến chất lượng không đảm bảo, phát sinh đội giá, phương án phê duyệt ban đầu phải thay đổi. Có thể nói, giải phóng mặt bằng có vị trí quan trọng, Chính phủ và các bộ, ngành cần xây dựng cơ chế riêng về giải phóng mặt bằng, áp dụng các hình thức vừa khoán, vừa thưởng, phạt cho địa phương, chứ doanh nghiệp tự đi giải phóng mặt bằng là vô cùng khó khăn.

 

Cơ chế hỗ trợ: Rút kinh nghiệm từ trước đây, tỷ lệ hỗ trợ phải thống nhất ngay từ đầu, tiền giải phóng mặt bằng phải được hỗ trợ 100%, tỷ lệ hỗ trợ bao nhiêu phần trăm tùy theo từng tuyến, trên cơ sở phương án nghiên cứu tiền khả thi, từ đó tiến hành đấu thầu. Tất cả các dự án phải đấu thầu, dẫn đến 3 vấn đề để Nhà nước lựa chọn: Nếu giữ năm, giữ phí thì giảm mức hỗ trợ hoặc giữ mức hỗ trợ thì giảm năm, giảm phí. Đấu thầu sẽ làm cho dự án minh bạch, tránh cơ chế xin - cho, tạo dư luận không tốt, từ đó không chọn được nhà đầu tư thực sự. Nếu ta treo mức chưa được vỡ thầu thì ta phải treo tiếp, chúng ta không sợ hớ, ví dụ đoạn A treo mức hỗ trợ 40% nhưng nhà thầu yêu cầu được giữ nguyên năm, nguyên phí thì chỉ cần hỗ trợ 35 đến 38%, từ đó đòi hỏi chúng ta phải đấu thầu công khai, chậm một chút nhưng minh bạch cho các bên.

 

Vốn phải được huy động từ nhiều kênh: Hiện nay, ngoài vốn điều lệ của doanh nghiệp dự án ra thì chỉ trông chờ vào nguồn vốn ngân hàng, vấn đề này chúng ta cần bàn tính kỹ. Nếu làm dự án hạ tầng trên 10 năm thì được xếp vào dài hạn. Theo kinh nghiệm của nhiều nước, họ không mong đợi ngân hàng mà họ tìm đến các tổ chức tài chính, cổ phiếu, trái phiếu…, phải “hút” được tiền của dân vào thì mới thành công. Đơn cử như Nhật Bản, Hàn Quốc, tất cả các dự án hạ tầng đều phải “hút” tiền từ dân vào chứ họ không thông qua ngân hàng. Còn ngân hàng ở đây chỉ là kênh cho vay ngắn hạn, vay tiêu dùng, đối với dự án dài hạn phải huy động từ các kênh khác. Còn ở Việt Nam, chúng ta khó huy động được kênh cổ phiếu, trái phiếu bởi vì đối với những dự án hạ tầng sau khi đưa vào khai thác, Nhà nước phải khẳng định được đây là dự án hạ tầng có phương án tài chính tốt, Nhà nước đảm bảo dòng tiền, thậm chí Nhà nước đứng ra thu tiền đó trả cho người mua cổ phiếu, trái phiếu để người dân yên tâm khi mua trái phiếu của doanh nghiệp. Nếu có được cam kết như vậy thì sẽ thu hút được dòng tiền lớn đầu tư vào hạ tầng, còn cứ đùn đẩy trách nhiệm cho doanh nghiệp xoay sở, bỏ mặc họ thì người dân sẽ không có sự tin tưởng để đầu tư mua cổ phiếu, trái phiếu, từ đó không thể “hút” được tiền từ dân. Ở Nhật Bản, nhiều trái phiếu của doanh nghiệp hạ tầng còn “hot” hơn trái phiếu Chính phủ, bởi vì độ ổn định, minh bạch và mức trả cổ tức cao.

 

Minh bạch công khai: Đối với những dự án hạ tầng đã hoàn thành, minh bạch tài chính, để huy động được vốn thì Chính phủ, các bộ, ngành phải tạo điều kiện để doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cổ phiếu… Để làm được điều đó, Nhà nước cần giúp doanh nghiệp lành mạnh hóa tài chính, tách bạch các dự án và công bố công khai thì người dân mới yên tâm tiền mua trái phiếu, cổ phiếu doanh nghiệp, từ đó tạo ra hiệu ứng cho toàn xã hội. Đơn cử, lãi suất hiện nay chỉ ở mức 5%, trong khi trái phiếu doanh nghiệp từ 8 - 9%, nhìn vào đây có thể nhận định người dân sẵn sàng mua trái phiếu doanh nghiệp nếu được đảm bảo. Từ những dự án thành công, bảo đảm tính minh bạch, doanh nghiệp sẽ “hút” được vốn cho các dự án sau này.

 

Quản lý đầu tư và sau đầu tư: Thời gian qua có những cam kết của Nhà nước với doanh nghiệp nhưng lại không được thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm, không đầy đủ trách nhiệm. Đối với những cam kết của Nhà nước mà không thực hiện thì Nhà nước phải bồi thường, cái gì thuộc về Nhà nước thì Nhà nước phải chịu. Ví dụ, Nhà nước cam kết mức hỗ trợ, giao quyền thu phí, tăng phí… thì Nhà nước phải sòng phẳng với doanh nghiệp. Nếu Nhà nước không thực hiện nghiêm thì môi trường đầu tư sẽ kém hiệu quả.

 

Nhà nước nên công khai minh bạch, chỉ cho doanh nghiệp lãi định mức lợi nhuận nhất định, còn phương án tài chính sẽ liên tục cập nhật theo số thu thực tiễn để xác định thời gian thu phí. Thứ hai là phương án khoán, sau khi có phương án tài chính có thể cho đấu thầu lại, phương án này doanh nghiệp phải “lời ăn lỗ chịu”. Ví dụ, sau 30 năm doanh nghiệp phải hoàn lại dự án, một là giữ nguyên năm giảm phí…, từ đó cho đấu thầu công khai, hai là đối với những tranh chấp hoặc có ý kiến dư luận thì Nhà nước phải đứng ra giải quyết.

 

Thực chất, BOT là do Nhà nước “ra đầu bài”, theo đó mức thu thế nào, thu bao nhiêu năm, thu ở đường nào, đặt trạm thu ở đâu… hoàn toàn do Nhà nước quyết định. Vấn đề ở đây không thể đổ lỗi hết cho doanh nghiệp được, doanh nghiệp chỉ là một vế của Nhà nước. Khi người dân bức xúc thì Nhà nước phải giải quyết thỏa đáng, chứ Nhà nước không thể đứng sau người dân và doanh nghiệp như thời gian vừa qua, bởi như thế câu hỏi về tính minh bạch của dự án sẽ khó có câu trả lời thỏa đáng.

 

Nguồn: Châu Thành - tapchigiaothong.vn


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
vdb_logo logo_vietcombank
logo_vinaconex

tuyendung

DOWNLOAD-VĂN BẢN

DOWNLOAD

EMAIL-VIDIFI.,JSC

EMAIL

GROUP-VIDIFI.,JSC

Forum

LIÊN HỆ

contact