Thứ sáu, 22 Tháng 11 2024 08:37:28
|
Dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng: Đã thông xe kỹ thuật đoạn tuyến Hải Dương-Hải Phòng |
Cao tốc Hà nội-Hải Phòng |
Thứ năm, 21 Tháng 5 2015 14:02 |
Sáng ngày 19/5/2015, Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư Tài chính Việt Nam (Vidifi), đã tiến hành tổ chức thông xe kỹ thuật 22,7 km đầu tiên của Dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng (đoạn tuyến Hải Dương-Hải Phòng) và sẽ chính thức được đưa vào khai thác, sử dụng từ ngày 27-5 sắp tới.
Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là Dự án đường giao thông trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa thiết thực trong tiến trình phát triển kinh tế, xã hội vùng Bắc bộ. Việc khởi công xây dựng Dự án này theo đúng chủ trương quy hoạch và chiến lược phát triển giao thông Việt Nam đến năm 2020 của Chính phủ, nhằm giải tỏa ách tắc cho Quốc lộ 5, rút ngắn thời gian đi lại giữa Hải Phòng và Thủ đô Hà Nội cũng như các tỉnh thành khác, tạo điều kiện thông thương thuận lợi và thu hút đầu tư.
Chính vì những lý do trên mà ngày 29/11/2007 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1621/QĐ-TTg cho phép đầu tư Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nôi-Hải Phòng theo hình thức BOT (Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao). Theo đó, điểm đầu của Dự án nằm trên đường Vành đai 3 của thành phố Hà Nội, đi qua tỉnh Hưng Yên, Hải Dương. Điểm cuối là cảng Đình Vũ –Quận Hải An- Thành phố Hải Phòng. Theo chủ trương phê duyệt thì Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng dài 105,5 km là đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế là 120km/h, chiều rộng mặt đường 33m với 06 làn xe chính, 02 làn xe dừng khẩn cấp, thu phí theo hình thức tự động khép kín, hai bên có hệ thống đường gom, dải cây xanh.
Trong giai đoạn 1, Dự án có 06 nút giao thông liên kết với các địa phương: Vành đai 3 Thành phố Hà Nội, Quốc lộ 10, tỉnh lộ 353 và điểm cắt đường Trần Hưng Đạo Thành phố Hải Phòng; có 19 nút giao cắt; 104 cống chui dân sinh. Dự án có 41 cây cầu với chiều dài khoảng 12km, trong đó có nhiều cầu lớn như cầu Thanh An, cầu Lạch Tray, cầu Thái Bình…Chủ đầu tư của Dự án là Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI); đơn vị tư vấn thiết kế là Liên danh Tư vấn YOOSHIN-KPT (Hàn Quốc – Việt Nam); đơn vị tư vấn giám sát: Liên danh Meinhardt (Australia) và Tư vấn xây dựng Việt-Nhật.
Điểm đặc biệt của dự án này là đầu tư theo hình thức BOT thí điểm, không được đầu tư bằng vốn Ngân sách nhà nước cấp như các Dự án hạ tầng giao thông khác. Tổng mức đầu tư của dự án là 45.487 tỷ đồng. Dự án được khởi công vào tháng 5/2008 và dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng vào cuối năm 2015.
Dự án có 11 gói thầu xây lấp chính và 7 gói thầu phụ trợ (an toàn giao thông, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống giao thông thông minh, trạm dịch vụ, dừng chân…). Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và yêu cầu của Bộ GTVT, ngày 19/5/2015 sẽ thông xe, và từ ngày 27/5 chính thức đưa vào khai thác tạm 22,7km thuộc địa phận thành phố Hải Phòng (Từ nút giao với QL 10 đến nút giao với tỉnh lộ 353- đường Phạm Văn Đồng (Thành phố Hải Phòng) và đến cuối năm 2015 thì đưa vào khai thác toàn tuyến đường.
Theo ghi nhận tại hiện trường của phóng viên Báo NB&CL, hiện nay, tiến độ thực hiện các gói thầu xây lắp của dự án đạt khoảng gần 90%. Trong đó, khối lượng xây lắp trên tuyến chính của gói thầu đã cơ bản hoàn thành, hiện đang còn thi công lớp bê tông nhựa mịn 5cm sử dụng nhựa đường cải tiến Polymer và lớp tạo nhám (nhằm đảm bảo tốc độ khai thác 120km/h); tiến đố các gói thầu phụ trợ (hệ thống an toàn giao thông, hệ thống điện chiếu sáng, cảnh quan cây xanh, các công trình kiến trúc phụ trợ, hệ thống quản lý, vận hành….) cũng đã và đang khẩn trương hoàn tất các công đoạn cuối cùng.
Trao đổi với phóng viên Báo NB&CL tại công trường đang thi công, ông Đào Văn Chiến – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) – Chủ đầu tư dự án – cho biết : “Tuyến đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (còn gọi là quốc lộ 5B) là một trong những tuyến đường mẫu về chất lượng, là đường cao tốc đầu tiên của Việt Nam xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuyến đường sẽ có hệ thống kiểm soát giao thông thông minh và hệ thống thu phí tự động, khép kín, tổ chức giao thông hiện đại và thông suốt, có lắp đặt hệ thống camera để kiểm soát và ghi nhận hình ảnh, có các trạm dịch vụ, các thiết bị cung cấp xăng dầu, sửa chữa…”
Sau khi thông xe kỹ thuật 22,7 km đầu tiên và đưa vào khai thác sử dụng từ ngày 27-5, các hạng mục của Dự án được nỗ lực đẩy nhanh tiến độ để quyết tâm hoàn thành vào cuối năm 2015 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải.
Nguồn: Đào Bình- Sơn Hải (Báo Công Luận) Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|