Thu phí QL5 để hoàn vốn xây cao tốc Hà Nội-Hải Phòng In
Tin Vidifi
Thứ hai, 22 Tháng 6 2009 14:27
Bộ GTVT vừa chấp thuận để VIDIFI - nhà đầu tư đường ôtô cao tốc Hà Nội- Hải Phòng tiếp nhận quyền thu phí quốc lộ 5 kể từ 1/1/2009 nhằm hoàn vốn đầu tư tuyến đường này. Thời gian thu phí hoàn vốn là 35 năm (không kể thời gian thi công).

Đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ rút ngắn thời gian "giao lưu" giữa hai thành phố lớn này chỉ còn 1 tiếng (Ảnh tư liệu).

Theo Bộ GTVT, đây là dự án có nguồn vốn đầu tư rất lớn, qui mô phức tạp, đã được Chính phủ cho phép đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Tuyến đường sẽ được thực hiện trong 43 tháng kể từ thời điểm thực hiện gói thầu xây lắp đầu tiên. Thời điểm thi công tạo nhám mặt đường sau 5 năm kể từ khi đưa đường cao tốc vào sử dụng.

Từ 1/1/2009, VIDIFI sẽ tiếp nhận quyền thu phí quốc lộ 5 để hoàn vốn đầu tư dự án này. Giá vé từ 1/1/2009 đến khi đường cao tốc mới được đưa vào khai thác (khoảng năm 2012) sẽ theo mức hiện hành của Bộ Tài chính. Sau đó, giá vé quốc lộ 5 sẽ tăng lên 1,2 lần. Thời gian còn lại sẽ tăng giá vé theo chu kỳ 5 năm/lần, mức tăng 1,2 lần so với trước đó cho đến khi giá vé bằng 2,0 lần mức giá qui định của Bộ Tài chính thì không tăng nữa.

Như VietNamNet đã đưa tin, thời gian để nhà đầu tư thu phí hoàn vốn được tạm tính là 35 năm. Chi phí tổ chức và quản lý hoạt động thu phí tại các trạm thu phí quốc lộ 5 bằng 10% doanh thu hàng năm. Chi phí tổ chức thu phí và quản lý đường cao tốc (kể cả tiền điện chiếu sáng) tạm tính trong phương án tài chính là 6% doanh thu thu phí đường cao tốc như nêu trong dự án (sau 2 năm sẽ điều chỉnh lại).

Được biết, riêng chi phí đại tu công trình lần đầu (sau 15 năm kể từ ngày đưa vào khai thác) được tính bằng 42% chi phí xây dựng mặt đường như các đường bộ hiện nay. Các lần đại tu tiếp theo được tính bằng 21% chi phí xây dựng mặt đường.

Hệ số trượt giá để qui đổi chi phí xây dựng về năm tính chi phí duy tu bảo dưỡng thường xuyên, trung tu, đại tu là 8%/năm (mỗi năm tăng 1,08 lần).

Bộ GTVT cũng cho biết, nhà đầu tư sẽ phải chịu lãi suất tiền vay vốn đầu tư theo các giai đoạn cụ thể: Từ tháng 6/2009 về trước lãi suất 20%/năm; từ 1/7/2009 đến hết 2010 là 15 - 16%/năm; từ 2011 đến hết 2014 khoảng 13,5 - 14,5%/năm; từ 2015 trở đi khoảng 12 - 13%/năm.

Lãi suất kỳ vọng đối với vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư kể từ khi bắt đầu phải huy động đến hết năm thứ 10 kể từ khi hoàn thành công trình là 14,5%/năm. Thời gian tiếp theo là 13,5%/năm.

  • Hoàng Huy(Vietnamnet)

 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: