Tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay tín dụng đầu tư thuộc sở hữu của NHPT hay khách hàng vay vốn? In
Ngân Hàng Phát triển Việt Nam
Thứ tư, 17 Tháng 8 2011 09:52

Thời gian qua, Ngân hàng phát triển Việt Nam (NHPT) nhận được nhiều ý kiến thắc mắc của Chi nhánh, Sở Giao dịch, các Đoàn công tác xử lý và thu hồi nợ vay về việc: xử lý tài sản bảo đảm tiền vay của Khách hàng vay vốn tín dụng đầu tư (nhất là tài sản hình thành từ vốn vay) có phải thực hiện theo quy định pháp luật về bán đấu giá tài sản của nhà nước hay không?

Trên cơ sở quy định pháp luật có liên quan, Ban Pháp chế - NHPT xin trao đổi, làm rõ và giải đáp những vướng mắc trên.

Thứ nhất, về quan hệ tín dụng

Hợp đồng là sự tự nguyện thoả thuận và thống nhất ý chí của các bên nhằm xác lập, thay đổi hay chấm dứt các quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa các chủ thể trong xã hội.

Hợp đồng vay vốn tín dụng đầu tư là sự thoả thuận bằng văn bản giữa NHPT (bên cho vay) và Khách hàng vay vốn (bên vay), theo đó bên cho vay giao cho bên vay một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định (thực hiện dự án đầu tư đã được thẩm định) trong một thời hạn nhất định theo thoả thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi.

Xét về bản chất, hợp đồng tín dụng là một dạng của hợp đồng cho vay tài sản theo quy định tại Điều 471 Bộ luật Dân sự 2005 Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định". Bởi lẽ “tiền” cũng là một loại tài sản theo quy định tại Điều 163 Bộ Luật Dân sự “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản". Với nghĩa đó, bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó (Điều 472 Bộ Luật Dân sự).

Chủ sở hữu tài sản có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của mình. Quyền định đoạt tài sản bao gồm quyền bán (chuyển nhượng), trao đổi, tặng cho, cho vay mượn, để thừa kế, từ bỏ hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản (Điều 197 của Bộ luật Dân sự).

Như vậy, sau khi ký hợp đồng tín dụng, NHPT giải ngân cho Khách hàng, thì số tiền giải ngân (theo mục đích vay) để hình thành tài sản dự án đầu tư hoàn toàn thuộc sở hữu của Khách hàng vay vốn.

Thứ hai, về quan hệ bảo đảm tiền vay

Theo quy định tại Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm, tài sản bảo đảm tiền vay do các bên thoả thuận và thuộc sở hữu của bên có nghĩa vụ (bên vay) hoặc thuộc sở hữu của người thứ ba mà người này cam kết dùng tài sản đó để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ (gốc, lãi) của bên vay đối với bên cho vay. Tài sản bảo đảm tiền vay có thể là tài sản hiện có, tài sản hình thành trong tương lai và được phép giao dịch.

Tài sản hình thành trong tương lai (từ nguồn vốn vay) là tài sản thuộc sở hữu của bên vay sau thời điểm nghĩa vụ được xác lập hoặc giao dịch bảo đảm được giao kết. Tài sản hình thành trong tương lai bao gồm cả tài sản đã được hình thành tại thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm, nhưng sau thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm mới thuộc sở hữu của bên vay.

Khi Khách hàng chấp nhận đưa tài sản thuộc sở hữu của mình (hiện có hoặc hình thành trong tương lai) và/hoặc của bên thứ ba để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ khoản vay tín dụng đầu tư sẽ đồng nghĩa với việc Khách hàng chấp nhận tài sản có thể bị xử lý phát mại vào bất cứ lúc nào để thực hiện nghĩa vụ khi Khách hành vay vốn vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng.

Từ những phân tích trên, có thể đưa ra những nhận định chung:

Trong quan hệ tín dụng đầu tư, NHPT dùng nguồn vốn hoạt động của mình để cho Khách hàng vay vốn. Và nghĩa vụ của Khách hàng trong quan hệ tín dụng này là phải hoàn trả đầy đủ gốc và lãi theo đúng thỏa thuận giữa các Bên tại hợp đồng tín dụng. Tài sản hình thành từ nguồn vốn tín dụng này hoàn toàn thuộc sở hữu của Khách hàng vay.

Tài sản bảo đảm cho khoản vay tín dụng đầu tư (bao gồm cả tài sản từ vốn vay tín dụng đầu tư hình thành trong trong tương lai) thuộc sở hữu của Khách hàng vay vốn (bên có nghĩa vụ) hoặc thuộc sở hữu của người thứ ba, mà không thuộc sở hữu của NHPT. Vì vậy, việc phát mại tài sản bảo đảm vốn vay (xác định giá khởi điểm, phương thức xử lý) để thu hồi khoản tín dụng đầu tư đã cho vay, được thực hiện trên cơ sở các quy định trong Hợp đồng bảo đảm tiền vay đã ký, quy định pháp luật có liên quan và văn bản hướng dẫn của NHPT.

Theo hướng dẫn của NHPT, trên cơ sở văn bản xin ý kiến về việc cho xử lý tài sản bảo đảm tiền vay (bao gồm nhưng không giới hạn: tài sản hình thành từ vốn vay tín dụng đầu tư, tài sản thế chấp của Khách hàng hoặc của bên thứ ba) của Chi nhánh và ý kiến của các Ban tham mưu, Tổng Giám đốc NHPT chấp thuận (hoặc không chấp thuận) cho xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ vay, phê duyệt giá khởi điểm, phương thức xử lý (nếu có).

Tài sản bảo đảm tiền vay của Khách hàng chỉ trở thành tài sản thuộc sở hữu của NHPT (tài sản nhà nước), khi NHPT nhận chính tài sản đó (đối với bất động sản, thời điểm chuyển quyền sở hữu có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu; động sản có hiệu lực kể từ thời điểm động sản được chuyển giao, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác) để khấu trừ vào khoản nợ vay và tài sản bảo đảm đó được NHPT hạch toán ghi tăng vào tài sản của NHPT, thì quy trình xác định giá khởi điểm để bán đấu giá được áp dụng theo quy định tại Thông tư số 137/2010/TT-BTC ngày 15/9/2010 của Bộ Tài chính quy định việc xác định giá khởi điểm của tài sản nhà nước bán đấu giá và chế độ tài chính của Hội đồng bán đấu giá tài sản./.

Ban Pháp chế - Ngân hàng Phát triển Việt Nam


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: