Tọa đàm trực tuyến về tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp In
Cao tốc Hà nội-Hải Phòng
Thứ hai, 20 Tháng 3 2017 13:41

Ngày 14/3/2017, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến về bảo đảm tính nhất quán trong tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp.

 

Trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh thông điệp xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ đã tạo ra nhiều thay đổi mạnh mẽ trong hoạt động của cả bộ máy hành chính với mục tiêu coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ.



Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp vẫn chưa hết lo lắng khi Chính phủ đã rất quyết liệt nhưng vẫn còn không ít nơi chưa “động đậy”, thậm chí chây ỳ gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.



Để có góc nhìn đa chiều về tình trạng trên, đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm biến quyết tâm cải cách không chỉ dừng lại ở Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ, mà phải tạo được sự chuyển động thực chất, mạnh mẽ của cả hệ thống, Cổng TTĐT Chính phủ thực hiện cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Bảo đảm tính nhất quán trong tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp”.


Khách mời chương trình, gồm: TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM); ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI); ông Nguyễn Công Đốc, Giám đốc Công ty May Hải Anh, Nam Định.

 

Dưới đây là nội dung tọa đàm:

 


TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Thưa TS. Nguyễn Đình Cung, trong cuộc gặp với doanh nghiệp 2016 ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát đi thông điệp xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Sau gần một năm với nhiều hành động quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ, ông thấy hiệu ứng rõ nét nhất là gì?


TS. Nguyễn Đình Cung: Ngày 29/4/2016, ngay trong tháng đầu của nhiệm kỳ mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị Doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 với thông điệp “Doanh nghiệp là một động lực của phát triển kinh tế”.

 

Hội nghị đã tạo một dấu ấn và kì vọng rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp. Sau đó, chúng ta thấy một số thay đổi từ lời nói biến thành hành động. Đầu tiên là quyền tự do kinh doanh. Chính phủ đã có chỉ đạo để bảo đảm được quyền tự do kinh doanh đúng như pháp luật quy định, mà biểu hiện cụ thể là xử lý vụ việc quán cà phê “Xin Chào”. Dù chỉ là một vụ việc nhưng nó có ý nghĩa cực kì lớn vì doanh nghiệp khi mở dịch vụ kinh doanh thì luôn luôn lo lắng mình bị hình sự hoá. Tiếp đó ngày 1/7/2016 là thời điểm gần như một cuộc cải cách toàn diện về các quy định về điều kiện kinh doanh, chúng ta đã bỏ được hàng nghìn điều kiện kinh doanh. Những thay đổi này tưởng là nhỏ nhưng nó lại thể hiện sự thay đổi tư duy về mặt quản lý và làm giảm rất nhiều chi phí cho doanh nghiệp.

 

Tuy những thay đổi vẫn ở mức vụ việc, chưa có tính hệ thống nhưng doanh nghiệp bắt đầu có niềm tin và bắt đầu phản ánh những vướng mắc với cơ quan Nhà nước. Nghĩa là, người ta nghĩ rằng, người ta tin rằng Chính phủ đang lắng nghe doanh nghiệp, sẵn sàng phục vụ doanh nghiệp với phương châm lắng nghe và giải quyết. Tuy nhiên, thay đổi đó vẫn còn xa so với kì vọng, mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp cũng như yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy nền kinh tế của chúng ta phát triển.

 

Thưa ông Nguyễn Công Đốc, mặc dù nhiều chính sách cần có thời gian mới đánh giá được hết hiệu quả, nhưng từ góc độ doanh nghiệp, ông có thể chia sẻ về những thay đổi mạnh nhất cảm nhận được trong một năm qua?


Ông Nguyễn Công Đốc: Tôi nhất trí với TS. Nguyễn Đình Cung đã nói, doanh nghiệp có thể cảm nhận được những thay đổi về cải cách về thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan. Điều này đã tạo thêm niềm tin, hứng khởi cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp của chúng tôi đang có ý định tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh nhằm tạo thêm việc làm cho lao động tại địa phương.

 

Thưa ông Nguyễn Văn Tỉnh, Vidifi là doanh nghiệp có địa bàn hoạt động rộng phải xử lý các mối quan hệ từ bộ, ngành đến địa phương, từ câu chuyện trong hoạt động của mình, ông có chia sẻ gì?


Ông Nguyễn Văn Tỉnh: Sau khi Thủ tướng có thông điệp và chỉ đạo quyết liệt thì các bộ, ngành cũng như các địa phương đã có sự chuyển động, đã tạo ra một không khí mới trong quá trình giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rằng, ở trên thực hiện quyết liệt nhưng ở dưới có một bộ phận công chức chưa chuyển động theo chỉ đạo của Chính phủ. Chúng tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp hoạt động ở nhiều địa phương rất cần đầu tư ở địa phương đó, trong đó quan trọng nhất là giải quyết các vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh chứ không chỉ dừng lại ở việc xúc tiến đầu tư, không chỉ gặp gỡ doanh nghiệp đầu năm.

 

Theo tôi, quan trọng nhất là bộ máy phải chuyển động đồng bộ. Chúng tôi nghĩ là các địa phương cũng nên có tổ công tác để đánh giá những vướng mắc của doanh nghiệp để xem xét quá trình giải quyết có gì chậm và chậm vì lý do gì để tháo gỡ. Đặc biệt đối với những công chức vô cảm, chậm trễ hoặc vận dụng pháp luật quy định theo hướng gây khó khăn cho doanh nghiệp thì chúng ta phải chỉ mặt chỉ tên thì mới có thể thay đổi được.

 


Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Giám đốc -Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Thưa ông Nguyễn Văn Tỉnh, ông vừa cho biết còn đó một bộ phận công chức gây khó khăn cho doanh nghiệp. Vậy, ông có thể chia sẻ cụ thể về vướng mắc mà doanh nghiệp mình gặp phải?


Ông Nguyễn Văn Tỉnh: Đối với một doanh nghiệp có lẽ có rất nhiều vướng mắc, cụ thể như doanh nghiệp chúng tôi đã ứng tiền giải phóng mặt bằng cho những địa phương và đã có chỉ đạo là phải trả cho đơn vị nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Mà tiền đó chúng tôi phải vay lãi suất 10%. Không ai nhìn thấy cái thiệt hại đó của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ có thể đi năn nỉ từng ngành, từng địa phương để giải quyết.

 

Nếu có một cơ chế nào đó, giả sử địa phương không hoàn trả thì địa phương phải chịu một hình thức xử lý nào đó theo luật pháp thì những công chức đó thi hành nhiệm vụ sẽ khác.

 

Có thể thấy là vẫn còn tình trạng thiếu nhất quán trong chính sách đối với doanh nghiệp ở một số bộ, ngành, địa phương, ví dụ như 30 quy định được các doanh nghiệp đề cử là chưa phù hợp vừa được công bố hay trước đó là việc ban hành Nghị quyết thu phí hạ tầng cảng biển của Hải Phòng gần đây chẳng hạn, đang gây nhiều tranh cãi, ông chia sẻ thế nào về tình trạng này, thưa TS. Nguyễn Đình Cung?



TS. Nguyễn Đình Cung:
Tính không nhất quán, trùng lặp thậm chí mâu thuẫn giữa quy định pháp luật và thực tiễn, giữa các bộ, các ngành, giữa Trung ương và địa phương là phổ biến và tồn tại nhiều năm qua. Có nhiều lý do để lý giải như các ngành soạn thảo ban hành các quy định pháp luật thường nghiêng về quan điểm của mình, cách thức nhìn nhận của mình, thậm chí có lợi ích của mình, kéo thuận lợi về cho mình, đẩy khó khăn cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, khi doanh nghiệp thực hiện luật theo chiều ngang, họ không thực hiện một văn bản mà phải thực hiện hàng chục văn bản; thực hiện văn bản này thì sai văn bản khác. Phần đúng luôn thuộc về phía công chức Nhà nước.

 

Chữ “vô cảm” ở đây tôi rất chia sẻ, giả sử trước những vấn đề như thế mà các công chức Nhà nước có liên quan cùng chia sẻ, cùng đồng hành, cùng đối tác với doanh nghiệp, tôi cho rằng mọi việc chúng ta đều có thể giải quyết được nhanh chóng, ổn thoả, vì sự phát triển.

 


Ông Nguyễn Công Đốc, Giám đốc Công ty May Hải Anh, Nam Định. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Phát biểu trên các diễn đàn gần đây, có nhà đầu tư đã bị "sốc” với quyết định tăng thu phí hạ tầng của Hải Phòng, thưa ông Nguyễn Công Đốc, quan điểm của ông thế nào?


Ông Nguyễn Công Đốc: Tôi rất chia sẻ cảm xúc chung với nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khác và đặc biệt là về quyết định tăng thu phí hạ tầng cảng biển của TP. Hải Phòng. Mức thu mới nếu được chính thức áp dụng thì sẽ tăng gánh nặng về phí vận chuyển lên các doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp chúng tôi, nếu tăng chi phí thì người thiệt thòi trực tiếp là người lao động. Đào tạo một nhân công lành nghề không hề đơn giản, vì nếu giảm lương thì họ sẽ bỏ doanh nghiệp. Vì vậy, tôi mong rằng Chính phủ có những bước đi phù hợp trong việc này để cả địa phương, doanh nghiệp và người lao động đều có lợi.

 

Rõ ràng nhu cầu huy động nguồn lực để đầu tư hạ tầng của nhiều địa phương là rất bức thiết. Tuy nhiên có vẻ như các địa phương vẫn đang chọn phương án tận thu thay vì nuôi dưỡng nguồn thu để tăng thu bền vững, thưa ông Nguyễn Đình Cung?


TS. Nguyễn Đình Cung: Việc huy động vốn phát triển hạ tầng là một vấn đề quốc gia. Cũng tương tự như vậy, giảm phí cho doanh nghiệp là một trong những yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết 35 của Chính phủ vì gánh nặng về chi phí hiện nay đối với doanh nghiệp Việt Nam rất lớn. Đó là một trong những yếu tố làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

 

Trong trường hợp huy động vốn, để các địa phương tự huy động vốn là khó có thể thực hiện được. Trong trường hợp cảng biển Hải phòng, tôi nghĩ rằng có những cách thức giải quyết tốt hơn.



Ví dụ, cảng Hải phòng hiện nay năng lực cạnh tranh kém hơn so với các cảng khác. Chúng ta đang có một dư địa rất lớn có thể cải thiện, thay đổi quản lý ở cảng này, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Từ đó nâng cao năng lực cạnh tramh của cảng cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Nếu như cần phải đầu tư để nâng cao năng lực cũng như năng suất của cảng thì vấn đề này cấp Trung ương phải vào cuộc, vì đây là cảng quốc gia. Vấn đề chỗ này là phải nhìn rộng hơn, đó là phải nâng cấp, nâng cao năng lực cạnh tranh của cảng Hải Phòng. Cách tăng thu phí này tôi không ủng hộ nhưng Chính phủ đã lắng nghe, khi doanh nghiệp phản ánh, các bộ đã có ý kiến, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo và yêu cầu Hải Phòng phải xem xét lại, đồng thời phải giảm mức phí thu xuống.

 

Tôi mong rằng nên bỏ quyết định này và thay vào đó những cách thức như tôi đã trình bày ở trên, nó sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của cảng, năng lực cạnh tranh quốc gia và doanh nghiệp.

 

Được biết là Hải Phòng đã yêu cầu Vidifi giảm phí cho các phương tiện phải phân luồng vào cao tốc để tránh nút giao đang thi công. Ý kiến của doanh nghiệp như thế nào, thưa ông Nguyễn Văn Tỉnh?


Ông Nguyễn Văn Tỉnh: UBND TP. Hải Phòng có văn bản đề nghị chúng tôi giảm phí. Sau ý kiến trên, chúng tôi đã có cuộc làm việc với Thành uỷ,  UBND TP. Hải Phòng để trình bày những khó khăn của doanh nghiệp. Hiện nay, để giảm cước vận tải đối với các xe 18 feet trở lên thì theo chỉ đạo của Thủ tướng, từ năm 2016, chúng tôi đã giảm 35% phí so với phương án ban đầu. Trong khi đó, hiện nay chúng tôi đang ở vào trạng thái rất căng thẳng về phương án tài chính.

 

Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng bao gồm số tiền vay của rất nhiều tổ chức định chế tài chính trong nước và nước ngoài. Khi vay, người ta dựa vào phương án tài chính đã được phê duyệt, vì vậy chúng ta không thể tuỳ tiện giảm tiếp vì nó sẽ phá vỡ phương án tài chính, toàn bộ cam kết của chúng ta đối với các định chế tài chính đã cho dự án vay vốn. Thành phố đã đồng thuận với chúng tôi và chúng tôi sẽ giữ nguyên mức phí hiện nay.

 

Xin được chuyển sang một câu chuyện khác đang nhận được sự quan tâm của cộng động doanh nghiệp đó là việc gần đây, người đứng đầu một doanh nghiệp than phiền mỗi lần xin giấy phép xuất khẩu gạo thì công ty phải chi vài chục nghìn USD. Lãnh đạo Bộ Công Thương đã chỉ đạo thanh tra xác minh thông tin này. Tuy nhiên, từ góc độ chuyên gia ông nhìn nhận thế nào về thực trạng này, thưa TS. Nguyễn Đình Cung?


TS. Nguyễn Đình Cung: Thực ra với doanh nghiệp Việt Nam, chi phí chính thức đã lớn, nhưng nhiều khi chi phí phi chính thức còn lớn hơn. Chúng ta cũng phải khẳng định điều này là phổ biến. Cho nên đi xin phép, một cái giấy phép nào đó mà đặc biệt giấy phép mang tính chất độc quyền mà cần phải phí, thì tôi nghĩ rằng điều đó là điều chắc có, còn bao nhiêu thì chúng ta không biết, chỉ những người xin, người cho biết và số biết được, theo tôi cũng rất là nhỏ, nhưng chắc chắn có.

 

Trong trường hợp này thì tôi nghĩ rằng một mặt chúng ta phải thay đổi, bỏ những quy định vô lý về điều kiện xuất khẩu gạo đi. Khi bỏ những thứ đấy thì đương nhiên sẽ bỏ được chi phí ấy và cần phải bỏ nhiều thứ nữa. Cái nữa là Bộ Công Thương không nên đứng ra lập một đoàn kiểm tra vụ việc với thành phần như vậy mà nên có sự tham gia của các thành phần khác như  đại diện hiệp hội, các chuyên gia độc lập để bảo đảm tính khách quan. Tôi cho rằng nếu được như thế thì lúc đó người ta mới thấy rằng Bộ Công Thương đang muốn giải quyết vấn đề một cách thực chất.

 

Ông có kiến nghị gì để loại bỏ tối đa các khoản chi phí “ngầm” của doanh nghiệp?


TS. Nguyễn Đình Cung: Thực ra mà nói bỏ cái này dễ thì rất dễ, khó cũng cực khó, khó là vì cái này chúng ta biết từ nhiều năm chứ không phải bây giờ với biết. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng dễ ở chỗ là bỏ nhiều thủ tục hành chính, nhiều giấy phép, đơn giản hóa những thứ còn lại, từ đó minh bạch hóa tất cả quá trình để thực hiện. Nhưng khó ở chỗ ai làm điều đó. Bộ máy của chúng ta đang dựa vào thủ tục, dựa vào giấy phép, chứng nhận ... để quản lý. Muốn thay đổi quản lý này, thì đầu tiên phải thay đổi về tư duy theo hướng phục vụ, kiến tạo, đồng thời phải có công cụ khác để quản lý.

 

Chính phủ trong Nghị quyết 19 cũng như Nghị quyết 35 đã nói rõ, rất rõ phải chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Tiền kiểm nghĩa là giấy phép, chứng nhận, còn hậu kiểm chủ yếu là quản lý dựa trên đánh giá phân tích rủi ro.

 

Cách làm nó dễ như thế, nhưng làm được điều đó như tôi nói ở trên, chúng ta phải vượt lên chính mình, phải thay đổi từ người lãnh đạo đến từng công chức, phải có yêu cầu áp lực từ trên xuống và áp lực từ ngoài vào.

 


Các vị khách mời tọa đàm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Thưa TS. Nguyễn Đình Cung, cộng đồng doanh nghiệp lo ngại là cùng với thời gian thì sẽ có nhiều quy định mới vô lý về điều kiện kinh doanh sẽ được tìm cách thiết lập lại dưới hình thức này hay hình thức khác, vì suy cho cùng đây là chính là mấu chốt của câu chuyện “quyền anh, quyền tôi” mà nhiều chuyên gia đã cảnh báo. Ông chia sẻ thế nào về lo ngại này và theo ông thì cần phải làm gì để ngăn ngừa tình trạng “trên thì cởi trói nhưng dưới vẫn vướng rào” này?


TS. Nguyễn Đình Cung: Tôi cho rằng chia sẻ này là hoàn toàn chính xác và là quan ngại không chỉ doanh nghiệp đâu, mà giới nghiên cứu chúng tôi cũng rất quan ngại về điều này. Bộ máy của chúng ta chưa thay đổi cách thức quản lý và vẫn dựa vào các giấy phép, giấy chứng nhận, các điều kiện để quản lý mà gọi là tiền kiểm thì đương nhiên nhu cầu quản lý buộc họ phải nghĩ ra công cụ để quản lý. Chưa nói đến vấn đề lợi ích nó gắn vào đó. Cho nên cần phải thay đổi cái cách thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Cần phải dẹp bỏ ngay những tư tưởng đặt ra các quy định vô lý ngay từ trong khâu soạn thảo. Chỉ khi Bộ trưởng thật sự nhạy cảm, thật sự lấy người dân và doanh nghiệp là đối tượng phục vụ thì khi đó phát hiện ra ngay.



Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng cần có một bộ phận độc lập rà soát ngay từ đầu để những thứ không cần thiết phải loại, nếu không nó sẽ "mọc" ra rất nhiều, vì kinh nghiệm của tôi từ những năm 2000, tôi làm việc này bỏ được 1 thứ thì nó sinh ra 2 thứ và nó sinh ra rất nhiều, thực sự mà nói, nó sinh ra nhiều thì sau này giải quyết càng khó.

 

Cộng đồng doanh nghiệp đang mong đợi cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp 2017sẽ diễn ra tới đây, thưa ông Nguyễn Văn Tỉnh, ông có kiến nghị và kỳ vọng gì trước thềm cuộc gặp này?


Ông Nguyễn Văn Tỉnh: Chúng tôi lấy câu chuyện của chúng tôi để mà kỳ vọng vào những quyết sách mới của Thủ tướng. Xin được nêu một ví dụ là tuần trước chúng tôi có gặp một doanh nghiệp của Mỹ khi dẫn đến Đình Vũ thì người ta nhìn con đường cao tốc, người ta nói đây là một trong những nhân tố quyết định cho việc đầu tư ra các tỉnh phía Bắc của họ. Ý chúng tôi nói con đường đó có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng chúng tôi rất buồn, tiền giải phóng mặt bằng của chúng tôi ứng ra 4.000 tỉ đồng, vay 10% lãi suất 8 năm nay rồi, đến nay chúng tôi vẫn không được ghi vào kế hoạch trung hạn để hoàn trả cho doanh nghiệp. Chúng tôi mong là các bộ, ngành hãy thực hiện những cam kết với doanh nghiệp.

 

Nguồn: Cổng TTĐT Chính phủ


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: