Quốc lộ 5 và nỗi niềm của nhà quản lý In
Tin Vidifi
Thứ năm, 27 Tháng 8 2015 09:45

Vào những ngày này, cả nước đang tưng bừng kỷ niệm 70 năm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Đây cũng là dịp để mỗi người Việt Nam, dù đang ở trong nước hay bà con ta ở nước ngoài về thăm tổ quốc đều có chung một cảm nhận về sự đổi thay kỳ diệu trên nhiều lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội. Một trong những lĩnh vực dễ nhận biết nhất là sự đổi thay về hệ thống cơ sở hạ tầng, đường xá... đã và đang được xây dựng ở mọi miền đất nước; trong đó tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là dự án hạ tầng giao thông rất quan trọng đang gấp rút hoàn thành; hợp thành bức tranh giao thông sinh động trong tiến trình của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.


VIDIFI đang đầu tư đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và sẽ đưa toàn tuyến vào sử dụng vào đầu tháng 12/2015. Theo đó, khi đưa tuyến cao tốc này vận hành sẽ góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an toàn giao thông, rút ngắn thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí của người dân và doanh nghiệp khi từ Thủ đô Hà Nội cùng một số tỉnh đi về Hải Phòng và ngược lại, đồng thời sẽ giảm tải cho quốc lộ 5. Nhưng quốc lộ 5 vẫn là tuyến đường giao thông quan trọng, kết nối với nhiều tuyến đường trong vùng phục vụ các cụm dân cư và khu công nghiệp, đô thị hai bên đường.

 


Các phương tiện lưu thông qua trạm thu phí số 2, Quốc lộ 5

 

Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng quốc lộ 5, có một số vấn đề các nhà quản lý cũng như dư luận không thể cầm lòng. Đó là tình trạng các xe chở quá trọng tải, quá khổ đang hàng ngày, hàng giờ chạy trên Quốc lộ 5, đồng nghĩa với việc làm cho đường 5 xuống cấp với tốc độ nhanh. Nhiều đoạn bị hằn lún cần phải khắc phục. Các nhân viên làm bảo dưỡng tuyến đường này, một lần tiếp xúc với tôi đã cho biết: theo quy định của các nhà thiết kế, trọng tải tối đa của cả xe và hàng hóa trên xe chạy trên đường 5 cũng chỉ cho phép tối đa H30XB80. Với trọng tải ấy, đường 5 còn chịu được. Nhưng từ ngày bỏ các trạm cân đặt ở một số điểm dọc tuyến, đã xuất hiện hàng loạt xe chở quá tải.

 

Trên thực tế, có xe chở phôi thép, chở hàng có trọng lượng lớn đã lên tới hơn 80 tấn (gấp đôi trọng tải cho phép). Khi bị phát hiện và buộc phải dừng xe để kiểm tra, do thiếu phương tiện cân, đong, đo, đếm nên các chủ phương tiện chối bay chối biến. Và để tránh bị kiểm tra, kiểm soát, thời gian gần đây, theo chỉ đạo tầm xa của các chủ doanh nghiệp, các lái xe khi chở quá trọng tải thường lưu hành vào ban đêm. Trung bình mỗi ngày đêm có khoảng 600-700 đầu xe chở quá tải như thế chạy trên tuyến đường này. Không hiểu các ông chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện có xót xa cho tài sản Nhà nước và nhân dân không? Không rõ họ có biết, để có được tuyến đường đó, Nhà nước đã bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để mọi người, mọi nhà được hưởng thì chỉ vì lợi nhuận mà họ đã bỏ qua tất cả và trở thành thủ phạm phá hoại đường 5, phá hoại tài sản quốc gia mà dư luận đòi hỏi cần phải xử lý nghiêm khắc.

 


Xe lưu thông trên tuyến quốc lộ 5 luôn trong tình trạng quá tải

 

Một hiện tượng tiêu cực nữa đang diễn ra trên Quốc lộ 5 cũng như nhiều tuyến đường khác ở nước ta, khiến ai cũng phải động lòng, đó là tình trạng dải phân cách của tuyến đường này hiện có rất nhiều đoạn bị người dân tự ý phá bỏ để làm lối đi riêng. Đây là những giao điểm rất nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông. Sơ sơ trên đoạn đường vài chục kilômét, từ Hà Nội đến Hải Phòng, chúng tôi đã đếm được hàng chục điểm dải phân cách bị đào, bới nham nhở. Dải phân cách bị người ta đạp đổ. Có chỗ chỉ vừa đủ để dắt chiếc xe máy, xe đạp, có chỗ rộng cả 3m để đi vừa chiếc xe công nông. Mặc dù trước đó, Công ty Quản lý đường bộ đã nhiều lần sửa đi sửa lại nhưng tình trạng trên vẫn cứ tiếp diễn.

 

Qua thống kê từ các vụ tai nạn giao thông xảy ra trên toàn tuyến cho thấy, đây chính là một nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn và hủy hoại tài sản của Nhà nước. Người ta đâu có biết rằng, để có một dải phân cách với hàng cây xanh đẹp mắt, hàng năm, Nhà nước phải bỏ ra nhiều tỷ đồng để nhân trồng, chi trả lương cho hàng trăm công nhân. Đó là chưa kể đến một số tiền lớn khác mà Công ty Quản lý giao thông Quốc lộ 5 bỏ ra để tu sửa lại những đoạn dải phân cách bị hư hỏng và tàn phá.

 

Chưa hết, một thực trạng khác cũng đang làm đau đầu các nhà quản lý chính là việc tự cắt đất mở đường từ cổng các công ty, doanh nghiệp, dự án nối liền mặt đường 5. Tình trạng này cùng với hiện tượng lấn đất, mở lều, quán ven đường không những làm mất đi vẻ đẹp vốn có của một công trình giao thông, gây ô nhiễm môi trường sinh thái mà còn tạo cho đường 5 một phong trào "phố hoá" nhanh chóng.

 

Đáng ra, khi có dự án ở dọc tuyến đường, Ban Quản lý dự án cần phải có sự thỏa thuận với cơ quan quản lý đường bộ trong việc tạo lập lối ra, vào hợp lý. Song trên thực tế nhiều doanh nghiệp khi triển khai dự án đã mở đường giao cắt đường 5 với cổng ra vào các cơ quan, xí nghiệp khiến cho nhiều khu vực của tuyến đường này bị chia cắt nham nhở, ảnh hưởng đến mỹ quan, môi trường. Đứng trước thực trạng trên, việc cho xây dựng các cầu vượt dân sinh là một giải pháp tích cực, nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho các nút giao thông. Song một số cầu vượt ở quốc lộ 5 lại ít tác dụng. Nhiều người tham gia giao thông không sử dụng cầu vượt thản nhiên chạy qua đường dễ dàng gây tai nạn. Để giải quyết thực trạng trên, Thủ tướng Chính phủ đã có Nghị quyết 13 và Chỉ thị 04, trong đó nêu rõ: Việc giải toả lấn chiếm lòng lề đường, hành lang đường bộ là trách nhiệm của chính quyền địa phương; đó là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của các cấp chính quyền cơ sở. Rất tiếc việc này đến nay vẫn còn bị coi nhẹ.

 


trạm thu phí số 2, Quốc lộ 5 sau khi được nâng cấp

 

Sẽ là thiếu sót khi đề cập đến những vấn đề bức xúc đang diễn ra tại tuyến đường 5 mà bỏ qua những hoạt động thu phí ở các trạm thu phí trên tuyến đường này. Công bằng mà nói, khi đường 5 đi vào sử dụng, chủ trương đặt trạm thu phí là hoàn toàn đúng đắn, bởi lẽ từ nguồn thu này mà Nhà nước mới có thêm nguồn tiền để trang trải các khoản trùng tu, bảo dưỡng đường, từng bước hoàn trả các khoản vay ban đầu để đầu tư xây dựng đường.

 

Một bất cập nữa cần phải kể ra là mức thu phí sử dụng đường bộ trên quốc lộ 5 hiện nay đã được giữ nguyên từ năm 2005 khi bắt đầu thu phí quốc lộ 5 (đến nay đã 10 năm không điều chỉnh) và là mức phí thấp nhất toàn quốc. Trong khi đó, mức thu phí sử dụng đường bộ tại các tuyến quốc lộ đều đã điều chỉnh tăng theo mức khung quy định tại Thông tư 159 gấp 2-3 lần so với mức phí QL5 đang thu (như Trạm Tân Đệ - quốc lộ 10, Trạm Thu phí Đại Yên - Quốc lộ 18, Trạm thu phí Mỹ Lộc – QL21B…).

 

Quốc lộ 5 được đưa vào sử dụng từ năm 1998 và đã xuống cấp trầm trọng nên phải sửa chữa, cải tạo. Vì vậy, ngay từ năm 2012, Bộ GTVT và VIDIFI đã phải trích ngân sách và kinh phí từ nguồn thu phí với gần 700 tỷ đồng để đầu tư Dự án cải tạo, khôi phục mặt đường quốc lộ 5 để đảm bảo an toàn giao thông và duy trì khả năng khai thác quốc lộ 5 (dự án này do Tổng Cục đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư.

 

Vì vậy việc tăng cường quản lý quốc lộ 5 phù hợp với nhu cầu thực tế của tuyến đường, ngăn chặn xe quá tải, lập lại trật tự giao thông trên tuyến và tổ chức thu phí với mức phí hợp lý là cần thiết để đảm bảo an toàn và giao thông thông suốt từ Hà Nội - Hải Phòng, góp phần quan trọng  vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bằng Bắc bộ./.

 

Nguồn: Lưu Vinh (Báo KD&PL)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: