Đ/c Nguyễn Tấn Dũng, UV Bộ Chính trị, TT Chính phủ đến thăm và làm việc tại NH Phát triển VN In
Ngân Hàng Phát triển Việt Nam
Thứ hai, 17 Tháng 8 2009 10:25

Ngày 11/8/2009, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã đến thăm và làm việc với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (NHPT).

Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Uỷ ban giám sát Tài chính quốc gia.

Thay mặt lãnh đạo NHPT, Tổng Giám đốc NHPT Nguyễn Quang Dũng đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ kết quả hoạt động trong 3 năm (2006 - 2009), trong đó nêu rõ: Tổng tài sản của NHPT hiện nay trên 170.000 tỷ đồng, tăng hơn 63% so với thời điểm mới thành lập; đã huy động mới gần 120.000 tỷ đồng, bằng 7% vốn đầu tư toàn xã hội cùng kỳ. Trong đó, vốn phát hành TPCP đạt trên 77.000 tỷ, bình quân 3 năm chiếm 55% tổng nguồn huy động của NHPT. NHPT hiện đang quản lý cho vay trên 3.970 dự án với số vốn theo hợp đồng tín dụng gần 146.000 tỷ đồng (gồm 86.000 tỷ đồng tín dụng đầu tư và 60.000 tỷ đồng tín dụng xuất khẩu). Về Tín dụng đầu tư, dư nợ các dự án nhóm A chiếm 45%. Tổng dư nợ tín dụng của NHPT giai đoạn 2006 -2008 chiếm khoảng 12% tín dụng toàn thị trường và tập trung vào lĩnh vực Công nghiệp - Xây dựng với tỷ lệ bình quân 78%/năm. Các chương trình/dự án trọng điểm nổi bật là: Thủy điện Sơn La và các dự án về ngành điện, Lọc dầu Dung Quất, các nhà máy xi măng, luyện thép, cơ khí trọng điểm, vệ tinh Vinasat, phân bón DAP Hải Phòng, đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, Apatit Lào Cai, đóng tàu biển... Về tín dụng xuất khẩu: NHPT đã giải ngân hơn 60.000 tỷ đồng đối với hầu hết các mặt hàng thuộc đối tượng khuyến khích xuất khẩu (26 nhóm) để xuất khẩu sang 43 thị trường thế giới. Doanh số cho vay xuất khẩu tăng trưởng mạnh, đặc biệt năm 2008 gấp gần 3 lần so với năm 2007; 7 tháng đầu năm 2009 giải ngân được hơn 19.635 tỷ đồng, dư nợ đến nay đạt gần 17.600 tỷ đồng; dự kiến giải ngân cả năm 2009 đạt khoảng 30.000-32.000 tỷ đồng, dư nợ bình quân đạt 16.500 tỷ đồng, bằng 165% kế hoạch được giao. Các hình thức hỗ trợ gián tiếp là hỗ trợ sau đầu tư (HTSĐT) và bảo lãnh tín dụng cũng góp phần quan trọng đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Đối với HTSĐT, thông qua lượng vốn mồi này đã huy động được tổng số vốn gần 37.000 tỷ đồng để đầu tư 2.859 dự án với tổng số vốn đầu tư lên tới gần 85.000 tỷ đồng. Đến nay, hầu hết các chi nhánh NHPT đã triển khai nghiệp vụ bảo lãnh doanh nghiệp vay vốn NHTM; NHPT đã phát hành 882 thông báo chấp nhận bảo lãnh (140 dự án và 738 phương án) với số tiền 5.575 tỷ đồng và phát hành 649 chứng thư bảo lãnh (78 dự án và 571 phương án) với số tiền 3.809 tỷ đồng; trong đó trên 90% là cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa và các hợp tác xã. Dự kiến cả năm 2009 đạt doanh số khoảng 10.000 tỷ đồng. Hoạt động thí điểm tín dụng ngắn hạn đã hỗ trợ có hiệu quả cho các dự án vay vốn TDĐT và TDXK của Nhà nước có đủ vốn hoàn thành đúng tiến độ đầu tư, tăng hiệu quả sử dụng vốn, bổ sung vốn mới cho các doanh nghiệp để ổn định sản xuất kinh doanh. Thông qua hoạt động này, NHPT từng bước tự chủ về tài chính, dần bảo đảm tự cân đối thu- chi theo hướng: phát triển đa dạng nghiệp vụ ngân hàng để đa dạng hoá nguồn thu, giảm dần cấp phí quản lý từ NSNN. Năm 2008, thông qua nghiệp vụ này, NHPT tự trang trải được 20% chi phí hoạt động; phấn đấu kế hoạch 2009: 30%; năm 2010: 50%. Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và dự án Đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện, quy hoạch Đảo Cát Hải cũng đang được NHPT đang tích cực triển khai. Riêng dự án đường ô tô cao tộc Hà Nội - Hải Phòng đã thực hiện được trên 80% khối lượng giải phóng mặt bằng và 3 gói thầu quốc tế đang được triển khai, phấn đấu cuối năm 2009, các nhà thầu sẽ triển khai thi công toàn tuyến. Đến nay, NHPT đã giải ngân 352 tỷ đồng và 4,3 triệu USD, dự kiến 2009 giải ngân trên 3.000 tỷ đồng để đảm bảo tiến độ của dự án.

thu tuong Nguyen Tan Dung
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc
với Ngân hàng Phát triển Việt Nam

Bên cạnh đó, NHPT cũng đã và đang thực hiện tốt một số nhiệm vụ mới triển khai năm 2009 nhằm thực hiện chủ trương kích cầu của Chính phủ như: Cho doanh nghiệp vay thanh toán lương, BHXH, trợ cấp thôi việc theo Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg; Cấp bù lãi suất cho các khoản vay TDĐT tại NHPT; thực hiện hỗ trợ huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

Về định hướng hoạt động của NHPT giai đoạn 2010 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020 và một số đề xuất kiến nghị nhằm đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ được giao: trong năm 2010, NHPT tập trung hỗ trợ các chương trình, dự án trọng điểm của Chính phủ, các dự án ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn. Dự kiến năm 2010 tăng trưởng chung khoảng 20- 25%; trong đó dư nợ TDĐT tăng khoảng 20%; dư nợ TDXK tăng khoảng 23%; dư nợ các hình thức tín dụng khác điều hành linh hoạt trong tổng mức tăng trưởng dư nợ cả năm của NHPT. Bảo lãnh tín dụng đạt số dư khoảng 15.000-20.000 tỷ đồng. Theo dự kiến này, kế hoạch giải ngân tín dụng và doanh số bảo lãnh năm 2010 gần: 87.000 tỷ đồng, trong đó: vốn ngoài nước (ODA cho vay lại): 10.000 tỷ đồng; vốn trong nước: 62.000 tỷ đồng. Bao gồm: Cho vay đầu tư: 29.000 tỷ đồng (cao hơn kế hoạch năm 2009 gần 4.000 tỷ đồng). Dư nợ bình quân TDXK: 20.000 tỷ đồng (gấp hai lần kế hoạch năm 2009). Cấp vốn hỗ trợ sau đầu tư: 220 tỷ đồng. Cho doanh nghiệp vay để thanh toán lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp mất việc cho người lao động: 50 tỷ đồng. Dư nợ bình quân cho vay xúc tiến (ngắn hạn) hỗ trợ dự án: 6.000 tỷ đồng. Cho vay đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng: 6.700 tỷ đồng. Khởi công dự án cầu đường Tân Vũ - Lạch Huyện.

Đối với TDĐT, dự kiến năm 2010 sẽ tiếp tục tập trung ưu tiên vốn giải ngân đối với các dự án đã ký hợp đồng tín dụng; các dự án mới sẽ tập trung vào một số lĩnh vực: Các dự án trọng điểm, chương trình của Chính phủ; Các dự án hạ tầng kinh tế xã hội; Các dự án môi trường, an sinh xã hội: xử lý rác thải, cấp nước sạch, bệnh viện, trường dạy nghề.

Giai đoạn 2011-2015: NHPT thực sự trở thành công cụ đắc lực của Chính phủ trong hỗ trợ đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu, hoạt động đạt trình độ chuyên nghiệp cao và hiện đại; phát triển mạnh các dịch vụ ngân hàng theo tiêu chuẩn thị trường để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách TDĐT, TDXK của Nhà nước. Thực sự hội nhập với thị trường quốc tế trên cả hai phương diện: thị trường vốn và tài trợ xuất nhập khẩu hàng hoá. Đảm bảo tự chủ tài chính, tự trang trải toàn bộ chi phí quản lý, có tích luỹ và dự phòng vững chắc.

Tầm nhìn đến năm 2020: NHPT phấn đấu trở thành một tổ chức tài trợ phát triển tự chủ về tài chính và hoạt động; không chỉ là công cụ đắc lực trong hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội trong nước mà còn góp phần đẩy mạnh các hoạt động kinh tế đối ngoại của Việt Nam, có vai trò quan trọng trong việc phát triển thị trường tài chính với sự đa dạng về dịch vụ và hoạt động năng động trên thị trường vốn khu vực và quốc tế; tiềm lực tài chính mạnh, đủ sức đảm nhiệm những nhiệm vụ mới trong bối cảnh Việt Nam đã cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.

Sau khi nghe báo cáo của NHPT, các ý kiến của đại diện các Bộ, ban ngành có liên quan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh và đánh giá cao hoạt động của NHPT trong 3 năm qua và đặc biệt những nỗ lực của NHPT trong giai đoạn suy giảm kinh tế thế giới và trong nước. Trong 3 năm qua, NHPT là công cụ của Chính phủ để hỗ trợ các chương trình, dự án trọng điểm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngoài hai nhiệm vụ chính được giao, NHPT còn làm tốt các nhiệm vụ có tính thời vụ thực hiện giải pháp kích cầu của Chính phủ như bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn, hỗ trợ lãi suất 4%, An sinh xã hội... Bên cạnh đó, trong chức năng nhiệm vụ cho phép NHPT cũng đã thực hiện cho vay thí điểm để tăng thu, giảm cấp bù chi phí từ Ngân sách Nhà nước... Từ những nhiệm vụ cụ thể NHPT đã có những đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, trong hoạt động của NHPT hiện nay đang còn một số vấn đề cần phải giải quyết: đó là quy mô hoạt động của Ngân hàng còn nhỏ so với yêu cầu phát triển, vốn điều lệ ít, huy động vốn khó khăn do lãi suất huy động thấp, kinh phí dự phòng rủi ro ít... ảnh hưởng đến sự an toàn trong hoạt động của NHPT. Kết luận Hội nghị, Thủ tướng chỉ đạo:

1. Trong thời gian tới, NHPT cần thực hiện tốt nhiệm vụ tín dụng đầu tư phát triển, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước. Yêu cầu các Bộ, ngành liên quan phối hợp với NHPT rà soát lại danh mục các dự án cho vay trên nguyên tắc đảm bảo đúng những chương trình, dự án trọng điểm quốc gia, cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước mà các ngân hàng thương mại không đủ sức đầu tư, đặc biệt lưu ý các dự án về xử lý môi trường, an sinh xã hội.

2. Giao Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu khung lãi suất linh hoạt, phù hợp và trình Thủ tướng Chính phủ trong quý 3/2009 đồng thời nghiên cứu xem xét lãi suất huy động, thời gian huy động, đảm bảo linh hoạt và phù hợp với từng thời kỳ để đảm bảo nguồn vốn cho NHPT thực hiện các dự án theo tiến độ. Đối với việc hỗ trợ vốn ngắn hạn ổn định sản xuất ban đầu các dự án, sau một thời gian thực hiện thí điểm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHPT báo cáo đánh giá lại hoạt động này, cân nhắc những mặt được, chưa được, những rủi ro tiềm ẩn báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3. Về dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng: Đây là một dự án đặc thù Thủ tướng Chính phủ giao cho NHPT làm chủ đầu tư và đã thực hiện dự án theo tiến độ, tuy nhiên do suy giảm kinh tế nên việc huy động vốn của NHPT gặp khó khăn, Thủ tướng Chính phủ giao cho NHPT cùng với các bộ, ban ngành rà soát lại và có phương án trình Chính phủ trên nguyên tắc NHPT phải làm được dự án này theo đúng tiến độ.

4. Về chiến lược hoạt động: NHPT cần tiếp tục làm việc với các Bộ, ngành có liên quan có đề án cụ thể như: xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế huy động vốn, cho vay phù hợp và trình Th tướng Chính phủ vào đầu quý 4/2009.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu NHPT tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ của Chính phủ giao; phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung khắc phục những khó khăn tạm thời; những vướng mắc về cơ chế hoạt động trình Chính phủ bổ sung, sửa đổi, đảm bảo hành lang pháp lý cho NHPT hoạt động, thực hiện hiệu quả, ngày càng tốt hơn các nhiệm vụ hỗ trợ phát triển kinh tế đất nước. Bên cạnh đó, NHPT cần đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai thủ tục, không để xảy ra tiêu cực, đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp và lợi ích phát triển bền vững kinh tế đất nước và hội nhập quốc tế thành công./.

Theo Tạp chí Hỗ trợ Phát triển


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: